Thành tích
Thiết bị
Thống kê truy cập
Tin tức trong nước
Mục tiêu cho phát triển nhà ở Phồn vinh còn xa (06/04/2011)

    Mặc dù lĩnh vực nhà ở đã có sự phát triển, nhưng hiện nay lĩnh vực này còn những bất cập. Đó là, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển và quản lý nhà ở thiếu đồng bộ; giá nhà ở tăng cao gây ảnh hưởng không tốt đến việc tạo lập về chỗ ở của người dân; cơ cấu nhà ở chưa cân đối, khoảng cách về điều kiện nhà ở của người dân ngày càng chênh lệch cao.

Cơ cấu nhà ở mất cân đối 
                                                                                                                       
    Tại khu vực đô thị cơ cấu nhà ở chưa hợp lý, tâm lý muốn sở hữu nhà ở, muốn ở nhà thấp tầng gắn với đất còn phổ biến, vì vậy tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%, trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%, các đô thị khác còn có tỷ lệ thấp hơn; tỷ lệ số hộ dân đi thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ có sở hữu nhà ở, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ số hộ dân đi thuê nhà cao nhất nhưng cũng chỉ đạt 19%, trong khi đó ở các nước phát triển và đang phát triển tỷ lệ số hộ dân đi thuê nhà ở cao hơn nhiều.
   
     
Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển các căn hộ cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao mà chưa quan tâm phát triển các loại căn hộ có diện tích nhỏ, giá bán phù hợp với đại bộ phận người dân có thu nhập trung bình. Hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư nhà ở để cho thuê, mới chỉ có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nhà cho người nước ngoài thuê.
    
    Mặc dù tốc độ phát triển nhà ở đạt tốc độ cao trong thời gian vừa qua, nhiều hộ gia đình đã có những ngôi nhà, căn hộ khang trang, sạch đẹp, nhưng vẫn còn không ít hộ gia đình phải sống trong các căn nhà chật hẹp, chất lượng kém. Hiện nay, cả nước vẫn còn 7,42% nhà đơn sơ, tương ứng với hơn 1,6 triệu căn nhà và khoảng 1,7 triệu căn nhà thiếu kiên cố; còn 10,64% tổng số căn hộ có diện tích dưới 30 m2/căn, trong đó tỷ lệ căn hộ có diện tích quá chật hẹp dưới 15 m2/căn còn chiếm 2,38%, riêng khu vực đô thị là 4,0%. Cả nước vẫn còn hơn 770.000 hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân dưới 5 m2/người và hơn 4,6 triệu hộ gia đình có diện tích nhà ở bình quân từ 6-10 m2 /người.

    
Năm 2020 - bình quân toàn quốc  25m2 sàn/người
   
     
Trước thực trạng phát triển nhà ở thời gian qua, Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030 phấn đấu nâng diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.

    
Trong đó, đến năm 2020, đưa diện tích nhà ở bình quân toàn quốc lên khoảng 25m2 sàn/người (trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người và tại nông thôn đạt 21m2 sàn/người), diện tích nhà ở tối thiểu đạt 8m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc lên 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 75%, tại nông thôn đạt 65%; giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố tại nông thôn xuống còn dưới 3% và xóa hết nhà ở đơn sơ tại khu vực nông thôn; nâng tỷ lệ hộ gia đình có công trình phụ hợp vệ sinh lên 90%, trong đó tại đô thị đạt xấp xỉ 100% và tại nông thôn đạt trên 80%. 

    
Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ trọng nhà ở chung cư trong tổng quỹ nhà ở tại khu vực đô thị khoảng 15% (trong đó thành phố Hà Nội đạt từ 25-30%, thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 18-20%, tại các đô thị loại I đạt khoảng 15% và tại các đô thị khác đạt từ 5-7%); tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê tại đô thị trong cả nước lên từ 20-25% (trong đó thành phố Hà Nội đạt từ 20-25%, thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 25-30%; tại các đô thị loại I đạt từ 15-20% và tại các đô thị khác đạt khoảng 10%).

    
Trong các đề xuất với Chính phủ, Bộ xây dựng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở là học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đến năm 2020, có khoảng 60% số công nhân có nhu cầu được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở công nhân tập trung, khoảng 40% số công nhân còn lại được thuê tại các nhà ở riêng lẻ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu do Nhà nước quy định; đáp ứng chỗ ở cho khoảng 70% số lượng sinh viên có nhu cầu về chỗ ở tại các ký túc xá; xây dựng khoảng 350.000 căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp; hoàn thành Chương trình hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn về nhà ở tại các vùng thường xuyên bị thiên tai. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang là kế hoạch. Điều quan trọng là, sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân thực sự được hưởng lợi từ những chương trình tốt đẹp kể trên?
                                                                Theo: Cẩm Tú <http://www.monre.gov.vn>

Các tin khác
Sản phẩm
Download