Thành tích
Thiết bị
Thống kê truy cập
Tin mới cập nhật
Trình Quốc hội Quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới Giữ vững chỉ tiêu 3,81 triệu ha đất lúa vào 2020 (21/10/2011)
    Chiều 20/10, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Tại Tờ trình này, Chính phủ tiếp tục quan điểm phải giữ vững 3,81 triệu ha đất lúa vào năm 2020 để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

               

                                              Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang trình bày trước Quốc hội

    
    *2001-2011: Đạt được 90% chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
    Theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả thực hiện các chỉ tiêu theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (tính đến 31/12/2010) về cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định, trong đó có 33 chỉ tiêu đạt trên 90%, 5 chỉ tiêu đạt từ 70% đến dưới 90%, 4chỉ tiêu đạt từ 60% đến dưới 70% và 2 chỉ tiêu đạt dưới 60%.
    Riêng với đất lúa, thời kỳ 2001 - 2010 chỉ tiêu Quốc hội duyệt cho phép giảm 407 nghìn ha, kết quả thực hiện trong 10 năm giảm 270 nghìn ha (năm 2000 có 4.268 nghìn ha, năm 2010 có 3.998 nghìn ha); so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt đạt 103,55%. Nhìn chung, diện tích lúa nước cả nước vẫn đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực, tuy nhiên tại một số địa phương tốc độ giảm tương đối nhanh như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ chủ yếu chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, đô thị; Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả.
    Việc quy hoạch đất thời kỳ 2001-2010 được thực hiện đã đưa việc quản lý sử dụng đất đai dần đi vào nề nếp, tăng hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Chính phủ cho rằng còn 8 tồn tại cần giải quyết trong thực hiện kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất kỳ tới để quy hoạch thực sự trở thành công cụ quản lý hiệu quả tài nguyên đất. 
    Tồn tại đầu tiên là chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản dẫn tới tình hình vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
    Một điểm cần đổi mới trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lần này là hệ thống chỉ tiêu. “Trong nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất được áp dụng chung cho cả bốn cấp (quốc gia, tỉnh, huyện, xã) hơn 40 chỉ tiêu, dẫn đến tình trạng là chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh quá chi tiết. Từ đó không xác định rõ được trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
    Chính vì việc lập quy hoạch sử dụng đất kỳ trước thực hiện theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng nên không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ, vì mục tiêu bằng mọi giá phải phát triển kinh tế của địa phương mình nên đã đề xuất quy hoạch thiếu tính đồng bộ, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung, đến sự phát triển hài hòa của toàn khu vực.
Hạn chế còn ở chỗ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do Chính phủ phê duyệt chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian và tính đồng bộ trong việc triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
    Việc thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương vẫn còn mang tính hình thức nên dẫn đến việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất bị hạn chế.
    Việc thực hiện quy hoạch kỳ tới cần giám sát chặt chẽ hơn bởi trong kỳ trước, một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác. Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn dàn trải, có địa phương tỷ lệ lấp đầy còn thấp (dưới 60%) nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác.
    Đánh giá khách quan, Chính phủ cho rằng, hiệu lực của quy hoạch, kế hoạch sử dụng còn thấp do quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa phải là căn cứ duy nhất để quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mà còn dựa trên nhiều loại quy hoạch khác; trong khi quy hoạch của các ngành thường vượt ra ngoài khung của quy hoạch sử dụng đất. Việc chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong nhiều trường hợp chưa nghiêm; còn có tình trạng giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trái quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mặc dù gần đây đã được chấn chỉnh.
    Thêm nữa, việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa thật sự trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, tổ chức và chưa trở thành ý thức của người quản lý, chưa gắn với trách nhiệm của từng cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng thực hiện
 
    * Đồng bộ các chính sách pháp luật, tài chính, đo đạc, điều tra về đất đai
    Để quy hoạch sử dụng đất 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011-2015 có tính khả thi cao, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính để thực hiện. Đó là: Tiếp tục đổi mới hoàn thiện pháp luật đất đai về quy hoạch sử dụng đất đảm bảo đồng bộ với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển ngành. Xây dựng và ban hành quy định để xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, xét duyệt. Ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích địa phương giữ đất lúa, điều tiết phân bổ ngân sách Nhà nước đảm bảo lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương thuần nông, nhất là chuyên trồng lúa. Xây dựng các quy định pháp lý nhằm động viên người dân trồng lúa, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo, đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi.
    Cần rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc ngoài thực địa và công khai về diện tích đất lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; đánh giá thực trạng sử dụng đất khu công nghiệp nhằm hạn chế đến mức tối đa việc chuyển đất trồng lúa sang đất khu công nghiệp; quy hoạch sử dụng đất đô thị theo hướng bố trí sử dụng đất hợp lý, nâng cao hệ số sử dụng, triệt để khai thác không gian ngầm và trên cao để tiết kiệm đất; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đi trước một bước để tạo động lực thực hiện đồng bộ theo quy hoạch.
    Chính phủ cho rằng, cần tăng cường công tác điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, chất lượng công tác dự báo nhằm nâng cao tính khả thi của phương án quy hoạch sử dụng đất; đầu tư hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai, ứng dụng công nghệ viễn thám trong kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai.
    Cũng phải đẩy mạnh việc khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng ngập mặn ven biển và trồng cây xanh phân tán trong các khu vực phát triển đô thị, khu công nghiệp. Đầu tư các công trình xử lý chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị. Thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Nhóm giải pháp về chính sách tài chính đất đai được đặc biệt chú trọng bởi khi Nhà nước có chính sách tạo nguồn về tài chính sẽ tạo các chủ thể thực hiện đúng tiến độ các dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất mang lại; điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; cải cách hệ thống thuế có liên quan đến đất đai và bất động sản nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất vì mục đích đầu cơ.
 
    * Đổi mới về hệ thống chỉ tiêu
    Nội dung quy hoạch sử dụng đất lần này đã đổi mới trong việc xác định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp. Đối với quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, Quốc hội quyết định các chỉ tiêu tổng hợp, quan trọng ,các chỉ tiêu còn lại giao cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện xem xét quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cấp đối với việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Theo đó, Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia gồm 13 chỉ tiêu. Nhóm các chỉ tiêu tổng hợp có 3 chỉ tiêu: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng. Nhóm các chỉ tiêu cụ thể có 10 chỉ tiêu: đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng, đất di tích, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất ở tại đô thị, đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.
    Tại Tờ trình, Chính phủ có kiến nghị về hai chỉ tiêu quan trọng về diện tích đất lúa và khu công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Minh quang cho biết, dự báo đến năm 2020 dân số nước ta khoảng 100 triệu người và sẽ dần đi vào ổn định khoảng 120 triệu người, theo tính toán của Bộ NN&PTNT để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (bao gồm ăn, dự trữ, chăn nuôi, giống, chế biến, hao hụt…), tổng lượng lương thực cho các nhu cầu của cả nước cần khoảng 47 triệu tấn; diện tích lúa gieo trồng cần tối thiểu khoảng 7,3 triệu ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 - 2 lần, năng suất lúa bình quân đạt 64 tạ/ha. Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ bị ảnh hưởng đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
    Trong quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất, các địa phương đề xuất nhu cầu chuyển khoảng 500 nghìn ha đất lúa sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp hoặc chuyển cơ cấu cây trồng vật nuôi. Theo đề xuất này tổng diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 chỉ còn trên 3,6 triệu ha.
    Sau khi cân nhắc tính toán nhiều phương án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội phương án giữ chỉ tiêu đất trồng lúa trên 3,81 triệu ha trong kế hoạch 5 năm (2011-2015). Sau năm 2015, căn cứ vào thực tế của từng địa phương, trong trường hợp cần thiết mới điều chỉnh lại chỉ tiêu này khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020.
    Đối với đất khu công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong phương án quy hoạch, Chính phủ quy hoạch diện tích phát triển khu công nghiệp đến năm 2020 là 200 nghìn ha. Việc quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp là 200.000 ha nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho mục tiêu công nghiệp hóa, tránh tình trạng khi phát triển khu công nghiệp phải chi phí nhiều cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Chính phủ sẽ căn cứ quy định tại Nghị định số 29 (2008) quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, chỉ bố trí phát triển mở rộng, quy hoạch mới đối với những khu công nghiệp, những địa phương có tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên.
 
Phương án quy hoạch sử dụng đất Chính phủ trình Quốc hội
 
1. Đất nông nghiệp: Quy hoạch diện tích đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732.000 ha, tăng 506.000 ha so với năm 2010. Trong đó:
1.1. Đất trồng lúa: Để đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, quy hoạch đất trồng lúa được xác định là 3.812.000 ha, giảm 308.000 ha so với năm 2010, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) là 3.222.000 ha.
1.2. Đất lâm nghiệp: Căn cứ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch đến năm 2020 đất lâm nghiệp phải đạt 16.245.000 ha để đảm bảo độ che phủ đạt 45%.
2. Đất phi nông nghiệp: Quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020, cả nước có 4.880.000 ha, tăng 1.175.000 ha so với năm 2010, trong đó:
2.1. Đất quốc phòng: Quy hoạch đến năm 2020 là 388.000 ha, tăng 99.000 ha so với năm 2010.
2.2. Đất an ninh: Quy hoạch đến năm 2020 là 82.000 ha, tăng 33.000 ha so với năm 2010.
2.3. Đất khu công nghiệp (không bao gồm cụm công nghiệp): Quy hoạch đến năm 2020 là 200.000 ha, tăng 128.000 ha so với năm 2010.
2.4. Đất phát triển hạ tầng: Quy hoạch đến năm 2020 là 1.578.000 ha, tăng 396.000 ha so với năm 2010.
2.5. Đất di tích, danh thắng: Quy hoạch đến năm 2020 là 28.000 ha, tăng 11.000 ha so với năm 2010.
2.6. Đất bãi thải, xử lý chất thải: Quy hoạch đến năm 2020 là 21.000 ha, tăng 13.000 ha so với năm 2010.
2.7. Đất ở tại đô thị: Theo quy hoạch hệ thống đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và rà soát nhu cầu đề xuất của các địa phương, quy hoạch đến năm 2020 đất ở tại đô thị là 202.000 ha (trong tổng diện tích 2.095.000 ha đất đô thị, đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%).
Ngoài ra, đến năm 2020, diện tích các loại đất phi nông nghiệp còn lại được xác định là 2.381.000 ha sẽ được Chính phủ và UBND các cấp xét duyệt trong quy hoạch sử dụng đất của các địa phương.
                                                                        Theo: http://www.monre.gov.vn
Các tin khác
Sản phẩm
Download