Trong chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam, ngày 3/5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
|
Ảnh minh họa |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã báo cáo khái quát tình hình quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn thời gian qua. Ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 2 Chỉ thị, 5 Nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản, lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đánh giá chung, các văn bản ban hành phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân quản lý, hoạt động; tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính trong ngành tài nguyên và môi trường. Hà Nam có các khoáng sản chủ yếu như đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, sét xi măng, sét gạch ngói, than bùn... tập trung chủ yếu ở hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Hiện tỉnh có 208 mỏ, trong đó có 160 mỏ đang hoạt động, số còn lại đang làm thủ tục để cấp phép theo quy mô công nghiệp. Trong quá trình khai thác, sử dụng, vận chuyển khoáng sản đã tác động lớn đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí; ô nhiễm khí thải, độ rung, tiếng ồn, bức xạ trong hoạt động khoáng sản, có nơi nồng độ bụi vượt 3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những mặt tích cực, hiệu quả kinh tế mang lại cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các ngành chức năng đã giải đáp một số thắc mắc của Đoàn ĐBQH như: Thời gian cấp phép khai thác khoáng sản có phù hợp với quy định trong Luật Đất đai hay không; việc phục hồi môi trường tiến hành như thế nào; phương án khi xảy ra sự cố về môi trường. Đồng thời Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh Hà Nam phân tích rõ hơn những bất cập trong khai thác khoáng sản, những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề cần quan tâm của tỉnh Hà Nam, còn là vấn đề chung của cả nước khi tình trạng khai thác quá tải, quá mức cần thiết đang diễn ra; trong quá trình vận chuyển ảnh hưởng lớn đến đường xá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của việc khai thác, chế biến khoáng sản với hiệu quả xã hội, lợi ích xã hội, đảm bảo tính hài hòa giữa các lợi ích. Tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo sát sao, hoàn thiện các văn bản quy định, thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, địa phương không thực hiện đúng quy định.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã tổng hợp các ý kiến đánh giá, phân tích của Đoàn ĐBQH và các kiến nghị của UBND tỉnh Hà Nam; qua đó nhấn mạnh việc tỉnh Hà Nam đã ban hành các chính sách đúng thẩm quyền, kịp thời, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Đối với các ý kiến kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam sẽ tổng hợp gửi các cấp, ngành có liên quan và trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Theo: http://www.monre.gov.vn