Liên Bộ TN&MT, Nội vụ, Tài chính vừa ban hành Thông tư Liên tịch số 05/TTLT- BTNMT-BNV-BTC hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn… của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng này ở cấp tỉnh và cấp huyện có những nhiệm vụ đáng quan tâm. Điều này góp phần đảm bảo nguồn thu từ sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất được chính xác và hợp lý. Thông tư Liên tịch có hiệu lực thi hành từ 1/5/2010.
Cấp tỉnh, huyện chủ động cập nhật, cung cấp số liệu địa chính Ở cấp tỉnh, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất có nhiệm vụ lập và quản lý toàn bộ hồ sơ địa chính đối với tất cả các thửa đất trên địa bàn cấp tỉnh; cấp hồ sơ địa chính cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và UBND xã, phường, thị trấn; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu địa chính và phát triển hệ thống thông tin đất đai; rà soát việc nhập dữ liệu thuộc tính địa chính trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nhiệm vụ cung cấp số liệu địa chính cũng rất quan trọng. Đó là cung cấp số liệu địa chính để các cơ quan có chức năng xác định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế đất có liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất đối với người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp được sở hữu nhà tại Việt Nam), tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài.
Đối với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện cũng vậy. Văn phòng sẽ lưu trữ, quản lý và chỉnh lý toàn bộ hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu thuộc tính địa chính đối với tất cả các thửa đất trên địa bàn cấp huyện; gửi thông báo chỉnh lý biến động cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh và UBND cấp xã để chỉnh lý hồ sơ địa chính đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền; kiểm tra việc cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính của UBND cấp xã. Cung cấp số liệu địa chính cho cơ quan chức năng xác định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và tài sản khác gắn liền với đất đối với người sử dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất
Cùng với việc thực hiện việc thu phí, lệ phí các dịch vụ về cung cấp thông tin đất đai, trích đo địa chính thửa đất, khu đất và tài sản gắn liền với đất, trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật, nguồn thu từ tài nguyên đất nói chung và từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất sẽ đảm bảo chính xác, hợp lý và chắc chắn sẽ tăng lên trông thấy so với thực tế hiện nay.
Cần nói thêm rằng, chính sách đất đai luôn đổi mới theo hướng xác lập và hoàn thiện quyền sử dụng đất bằng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… dần hoàn chỉnh hệ thống tài chính đất đai phù hợp với cơ chế thị trường, làm cơ sở cho việc hình thành các công cụ kinh tế để điều tiết lợi ích từ sử dụng đất, quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa trong thị trường bất động sản. Để thị trường quyền sử dụng đất phát triển sâu và rộng hơn nữa bằng việc pháp luật cho phép các nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thông qua các quyền của người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án. Đối với mỗi loại đất khi tham gia vào thị trường quyền sử dụng đất đều góp phần làm đa dạng hóa thị trường bất động sản giúp quá trình vận hành của thị trường bất động sản phát triển một cách đầy đủ và hoàn thiện trong nền kinh tế quốc dân.
Văn phòng khi đi vào hoạt động theo đúng tổ chức lộ trình và cơ chế tài chính theo Thông tư 05, sẽ đảm bảo phát triển thị trường quyền sử dụng đất đối với thị trường bất động sản và có dự báo nhất định về định hướng nhu cầu sử dụng đất trong giai đoạn tới.
(Theo website Bộ Tài nguyên và Môi trường)