Thành tích
Thiết bị
Thống kê truy cập
Tin mới cập nhật
Tiếp tục Nghị định thư Kyoto Thành công nổi bật của COP 17 (17/12/2011)

    Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Trưởng đoàn cấp cao Việt Nam vừa trở về từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 17) tại Durban (Nam Phi) cho biết, thành công quan trọng nhất của Hội nghị COP 17 này là các nước đã thống nhất việc thiết lập và thông qua thời kỳ cam kết lần thứ 2 của Nghị định thư Kyoto, bắt đầu từ 1/1/2013 và kết thúc vào 31/12/2017. Thành công này khiến ta có quyền hy vọng về một trang sáng sủa cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu dài lâu.


                      
                                              Thứ trưởng Trần Hồng Hà, Trường đoàn cấp cao VN tại COP 17, phát biểu

    * Mở lối đi công nghệ, tài chính

    Tại buổi thông báo kết quả cho phóng viên báo chí ngày 15/12, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tại COP 17, còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa các nước phát triển với nhau hoặc các nước đang phát triển với nhau song các quốc gia thống nhất mục tiêu đảm bảo giữ cho nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ 21.

    Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Phó Trưởng đoàn đàm phán, COP 17 kéo dài hơn dự kiến gần 2 ngày với nhiều phiên thảo luận, tranh luận căng thẳng, nảy lửa. Cuối cùng các kết quả chính đã đạt được có nhiều khả quan.

    Đó là các quốc gia đã thống nhất cần xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu để phê chuẩn càng sớm càng tốt và phải có trước năm 2015. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý mới này sẽ được triển khai ngay và do nhóm làm việc về Định hướng Durban thực hiện. Đồng thời, COP 17 thống nhất khuôn khổ hệ thống báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính áp dụng cho cả nước phát triển và đang phát triển.

    Phương thức vận hành các gói giải pháp về Quỹ Khí hậu xanh, Ủy ban Thích ứng và Cơ chế Công nghệ cũng đã được thông qua tại Hội nghị này. Những chính sách này sẽ mở lối đi về tài chính, công nghệ để kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Quỹ Khí hậu xanh sẽ là kênh chủ yếu để huy động và giải ngân các khoản kinh phí dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nước đang phát triển đều có khả năng tiếp cận đến nguồn vốn huy động thông qua Quỹ Khí hậu xanh hoặc các định chế tài chính khác. Để huy động vốn từ Quỹ Khí hậu xanh, các nước đang phát triển phải xây dựng các chương trình, dự án và đăng ký với Ban Thư ký Quỹ thông qua hệ thống đăng ký sẽ được xây dựng. Việc xét duyệt các chương trình, dự án sẽ do Ủy ban Thường trực Quỹ thực hiện. Trong năm 2012 sẽ tiến hành lựa chọn trụ sở Quỹ trên cơ sở một bộ tiêu chí đã được Hội nghị thống nhất.

    Ủy ban Thích ứng gồm 16 thành viên sẽ báo cáo trực tiếp với COP về điều phối các hoạt động thích ứng trên phạm vi toàn cầu, sẽ tăng cường năng lực thích ứng cho các nước nghèo và dễ tổn thương nhất.

    Đối với việc triển khai cơ chế công nghệ, COP 17 đã thông qua tiêu chí và thống nhất thành lập Trung tâm và Mạng lưới công nghệ khí hậu vào năm 2012. Ngày 16/1/2012, Ban Thư ký Ủy ban Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) sẽ thông báo đề nghị các quốc gia gửi đề xuất đăng cai đặt Trung tâm này.

Ngoài ra, các nước thông qua thủ tục cho phép thực hiện các dự án thu hồi và lưu giữ cacbon như một dự án CDM…

    * Việt Nam đã tích cực hành động chống biến đổi khí hậu

    Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại Hội nghị COP 17, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các phiên họp quan trọng liên quan trực tiếp đến Việt Nam, phát biểu quan điểm tại Phiên họp cấp cao và tham gia các cuộc gặp song phương, các hội nghị bên lề.

    “Tại Hội nghị, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khẳng định, sự hỗ trợ của quốc tế đối với Việt Nam trong những năm qua có hiệu quả, Việt Nam đã tích cực chống biến đổi khí hậu, thể hiện bằng những sáng kiến và hành động cụ thể”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.

                   

                                                                                    Quang cảnh họp báo
    Dù các nước đã thống nhất việc thiết lập và thông qua thời kỳ cam kết lần thứ 2 của Nghị định thư Kyoto song để có được cam kết chính thức với lộ trình cắt giảm phát thải cụ thể còn mất nhiều thời gian. Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta tiếp tục các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã vạch ra đồng thời tiến tới nền kinh tế xanh đảm bảo cho phát triển bền vững. 
                                                                               Theo: http://www.monre.gov.vn

Các tin khác
Sản phẩm
Download