Thành tích
Thiết bị
Thống kê truy cập
Tin tức nội bộ
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ (01/12/2010)

        Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tiếp tục ứng dụng và phát triển công nghệ đo đạc bản đồ, nâng cấp hệ quy chiếu quốc gia, hoàn chỉnh hệ thống thông tin địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa chính chính quy, đa dạng hóa sản phẩm và bước đầu đổi mới hệ thống triển khai hoạt động đo đạc bản đồ. Trong đó, việc ứng dụng và phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ đóng vai trò quan trọng và có tính chất then chốt. Đây chính là cơ sở để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

        Theo Quyết định số 33/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020, trong giai đoạn 2011 - 2015 công nghệ đo đạc và bản đồ sẽ tập trung vào việc hoàn chỉnh hệ thống thu nhận thông tin bằng ảnh chụp từ vệ tinh, trang bị công nghệ quét Laser từ máy bay, nâng cấp công nghệ đo đạc bản đồ địa hình đáy biển và đặc biệt là phải nghiên cứu để sản xuất trong nước một số thiết bị đo đạc và bản đồ. Đó là những thách thức không nhỏ đối với ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam. Hiện nay, các công nghệ này vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước trên thế giới. Chẳng hạn như hiện nay dữ liệu thu từ trạm thu ảnh vệ tinh của chúng ta có thể xây dựng được DEM với độ chính xác cỡ 10m - 15m nhưng trên thế giới đã xây dựng được DEM cỡ 1m và nhỏ hơn từ ảnh vệ tinh. Còn công nghệ Lidar hiện nay có thể xây dựng được DEM với độ chính xác cỡ vài ba dm nhưng trên thế giới người ta đã xây dựng được DEM với độ chính xác cỡ 4cm - 5cm.

        Ông Phan Ngọc Mai (Phòng Công nghệ thẩm định, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam) cho biết: Hiện nay nhờ có trạm thu ảnh vệ tinh chúng ta đã chủ động được về mặt tư liệu cho các công tác đo vẽ, hiện chỉnh bản đồ địa hình, bản đồ địa chính cơ sở cho các dãy tỷ lệ trung bình và nhỏ, công nghệ Lidar sau khi thử nghiệm thành công ở Cần Thơ đã được áp dụng rộng rãi trong Dự án Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý gắn với mô hình số độ cao phủ trùm và bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt chất lượng lẫn giá thành sản phẩm. Công nghệ GNSS đo độ chính xác cao cũng đã từng bước được triển khai thử nghiệm trong đo vẽ bản đồ địa hình ở Cà Mau, bản đồ địa chính ở Nghệ An. Trong đo đạc bản đồ địa hình đáy biển, công nghệ sử dụng thiết bị đo sâu đa tia cũng bước đầu được triển khai áp dụng.

        Theo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, từ nay đến năm 2015, để đảm bảo được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển ngành cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ. Đó là, rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lưới tọa độ, lưới độ cao. Hoàn thiện hệ thống văn bản kỹ thuật pháp quy về xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý và bản đồ địa hình các loại tỷ lệ. Xây dựng mới các văn bản kỹ thuật về bay quét Lidar, thành lập bản đồ địa hình và mô hình số độ cao bằng ảnh vệ tinh, quy định kỹ thuật về thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính bằng công nghệ GNSS động.

        Nâng cấp và mở rộng thêm khả năng thu của trạm thu ảnh vệ tinh. Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển hệ thống bay quét Lidar trên cơ sở trang bị các thiết bị bay quét hiện đại độ chính xác cao (cỡ 5cm).

        Triển khai xây dựng các trạm GNSS cố định trên lãnh thổ Việt Nam làm cơ sở cho việc xây dựng hệ quy chiếu động và quan trắc độ dịch chuyển vỏ trái đất; phát triển công nghệ định vị, dẫn đường độ chính xác cao và làm cơ sở cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ GNSS động độ chính xác cao phục vụ việc đo vẽ, thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ đo vẽ thành lập bản đồ địa chính phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Việt Nam.     
                                                                                                Theo:    
http://www.monre.gov.vn                

Các tin khác
Sản phẩm
Download