Thành tích
Thiết bị
Thống kê truy cập
Tin tức nội bộ
Thương mại hóa thông tin đo đạc bản đồ theo lộ trình (10/06/2010)
"Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tháng 2-2008 nêu rõ quan điểm "từng bước xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ, thương mại hóa thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ".
(TN&MT) Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường về tình hình hoạt động cũng như công tác phát triển, thương mại hóa thông tin, tư liệu đo đạc của ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Hùng, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho biết:
Có thể nói rằng trước đây, trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc công tác đo đạc bản đồ của nước ta chủ yếu phục vụ cho chiến đấu và chưa tiến hành thành lập bộ bản đồ phủ trùm lãnh thổ. Sau khi đất nước thống nhất chúng ta tiếp tục khai thác và sử dụng bộ bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 do quân đội Mỹ thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước. Kể từ năm 1996 chúng ta đã bắt đầu xây dựng hệ quy chiếu Quốc gia và tiến hành hiện chỉnh thành lập bộ bản đồ phủ trùm 1/50.000.
Trong những năm gần đây công tác đo đạc và bản đồ đã được Nhà nước và các cấp quan tâm đầu tư công nghệ, kinh phí để triển khai nhiều công trình, dự án đã tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước.
"Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020" được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tháng 2-2008 nêu rõ quan điểm "từng bước xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ, thương mại hóa thông tin, tư liệu đo đạc và bản đồ". Xin ông cho biết đến nay công tác này chúng ta đã làm được những gì ?
Việc xã hội hóa dịch vụ đo đạc và bản đồ trong vài năm gần đây đã được đẩy mạnh đáng kể. Cho đến nay có gần 600 tổ chức ngoài Nhà nước chính thức đăng ký hoạt động đo đạc bản đồ và tham gia nhiều dự án, công trình về đo đạc bản đồ, góp phần đáp ứng nhu cầu về tư liệu bản đồ cho xã hội.
Chúng ta cũng đã xây dựng và ban hành quy định về danh mục bí mật Nhà nước, độ mật trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó có đo đạc bản đồ tạo ra nguồn tư liệu đo đạc bản đồ lớn hơn cho xã hội. Thông tư hướng dẫn quản lý, lưu trữ, cung cấp và khai thác sử dụng thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ cũng đã đơn giản hóa tạo điều kiện cho nhiều loại đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận và sử dụng các tư liệu đo đạc bản đồ. Tuy nhiên, để thương mại hóa thật sự thông tin đo đạc bản đồ cần phải có thời gian và lộ trình cụ thể.
Hiện nay ở nhiều nơi việc đưa bản đồ Việt Nam lên Internet còn có những sai lệch, không thống nhất, đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông ?
Việc đưa bản đồ Việt Nam lên Internet hiện nay có nhiều sai lệch không thống nhất đặc biệt là việc thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước hết là do thiếu ý thức trách nhiệm về chủ quyền lãnh thổ đồng thời cũng thể hiện sự yếu kém, thiếu hiểu biết về kỹ thuật khi thể hiện bản đồ (Khi diện tích không đủ để thể hiện phải đưa các phần lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam vào trong bản đồ có thể không đúng vị trí nhưng phải ghi rõ tọa độ địa lý và tên địa danh). Ngoài ra, công tác truyền thông và quản lý của chúng ta cũng còn chưa thật đầy đủ. Dù sao thì đây cũng là sự vi phạm quy định của Nhà nước.
Sau những vụ việc xảy ra vừa qua liên quan đến bản đồ và chủ quyền lãnh thổ, theo ông, Việt Nam cần có ứng xử như thế nào?
Trước hết đối với các tổ chức quốc tế và nước ngoài, Việt Nam cần khẳng định chủ quyền của mình; đấu tranh yêu cầu họ sửa chữa kịp thời và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam như vừa qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao và một số tổ chức, báo chí đã làm.
Cần rà soát các trang thông tin điện tử của tất cả các cơ quan, đơn vị trong nước để sửa chữa, đồng thời phải làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân và tổ chức có ý thức và hiểu biết rõ về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc bản đồ, chúng tôi cũng sẽ sớm và sẵn sàng cung cấp bản đồ Việt Nam, thể hiện đầy đủ và chính xác biên giới trên đất liền và chủ quyền của Việt Nam trên biển.

Thưa Cục trưởng, để có được một tấm bản đồ Việt Nam chính thống, người dân và các tổ chức cần lấy ở đâu ? Cụ thể qui trình như thế nào ?
Các cơ quan tổ chức và người dân khi cần có bản đồ chính thống nhất thiết phải liên hệ với Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tất cả các tổ chức cá nhân khi phát hành bản đồ đều phải được Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam thẩm định về biên giới, địa giới hành chính trước khi phát hành (Thông tư liên tịch giữa Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng số 06/TTLT-BTNMT-BNV-BNG-BQP ngày 13 tháng 6 năm 2006: Hướng dẫn quản lý công tác đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính và biên giới quốc gia).
Việc cung cấp, khai thác, sử dụng tư liệu đo đạc bản đồ được quy định cụ thể tại Thông tư số 03/2007/TT-BTNMT ngày 15 tháng 2 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn quản lý, lưu trữ, cung cấp và khai thác sử dụng thông tin tư liệu đo đạc và bản đồ.

Trân trọng cảm ơn ông!
Thạch Long (thực hiện)
(Theo website Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Các tin khác
Sản phẩm
Download